Các bậc phụ huynh và các cháu thân mến!
Hôm nay Dinh viết tặng các bậc phụ huynh và các cháu một bài với chủ đề là Bản đồ Tư duy. Đây là một công cụ học tập được ứng dụng nhanh trên thế giới và ở Việt Nam nên có thể một số bậc phụ huynh đã biết. Sau đây Dinh xin nói về một số điểm cơ bản và một số nhận xét của riêng mình.
Bản đồ Tư duy, cũng như một số công cụ học tập khác, đều có cơ sở là các kết quả nghiên cứu về bộ não người, đặc biệt là các kết quả nghiên cứu trong các thập niên gần đây. Một trong các kết quả quan trọng đó là khám phá rằng bộ não người có 2 phần, não trái và não phải. Não trái xử lý về suy luận, ngôn ngữ, con số, quan hệ tuần tự, phân tích, liệt kê. Não phải xử lý về màu sắc, kích thước, không gian, nhịp điệu, trí tưởng tượng, mộng mơ. Hai phần của não liên kết với nhau và sự phát triển của bên này ảnh hưởng và thúc đẩy sự phát triển của bên kia. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các bộ óc thiên tài như Einstein (Anh-xtanh) hay Leonardo da Vinci (Lê-ô-na đờ Vanh-xi) khi học tập và làm việc đều (ngẫu nhiên) sử dụng cả 2 phần của bộ não. Đến đây sẽ có 2 mong muốn cải tiến được đặt ra. Một là cần phải nghĩ ra các chương trình đào tạo để học sinh sử dụng tốt cả 2 phần não (như các thiên tài!) và hai là phải cải tiến hay thay thế các công cụ học tập xưa nay chỉ sử dụng một phần não bằng các công cụ sử dụng cả hai phần não (để tăng hiệu quả tư duy). Mong muốn thứ nhất dẫn đến các cuốn sách hay chương trình đào tạo như Chương trình Số học Trí tuệ UCMAS của Malaysia đã du nhập vào Việt Nam được vài năm nay và được dạy ở các thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Sài Gòn. Mong muốn thứ 2 dẫn đến việc hình thành các công cụ học tập mới, trong đó có Bản đồ Tư duy.
Vậy Bản đồ Tư duy là gì? Dinh xin vẽ một bản đồ tư duy đơn giản như trên.
Như các bạn và các cháu thấy, ở giữa Bản đồ là ý chính, từ ý chính phát triển ra các nhánh chính, từ các nhánh chính phát triển ra các nhánh nhỏ, từ các nhánh nhỏ lại phát triển ra các nhánh nhỏ hơn và cứ tiếp tục như vậy (giống như gốc cây và rễ cây). Nhìn vào Bản đồ Tư duy ta sẽ thấy một “bức tranh tổng thể” mô tả ý tưởng chính một cách đầy đủ và rõ ràng.
Bây giờ các bạn và các cháu tưởng tượng mình ghi một bài giảng vào một trang giấy bằng cách như trên được không? Tất nhiên là được chứ. Ghi một chương sách bằng cách như trên vào một trang giấy được không? Được chứ. Một quyển sách được không? Được chứ. Hơn nữa, nếu sử dụng cách ghi chép này, khi ôn lại kiến thức có nhanh hơn không? Tất nhiên là có. Và nếu sử dụng Bản đồ để lập dàn ý một đoạn văn hay bài văn thì sao? Rất tốt đấy, các ý sẽ được sắp xếp logic, mạch lạc, tốc độ phát sinh ý tưởng cũng nhanh hơn. Như vậy thôi cũng đủ thấy cách ghi chép và lập dàn ý này thật tuyệt. Tất nhiên là Bản đồ Tư duy còn được ứng dụng trong nhiều việc khác nữa.
Còn vấn đề sử dụng một phần và hai phần não thì sao? Cách ghi chép truyền thống ghi chép bằng chữ từ trái sang phải, từ trên xuống dưới chỉ sử dụng phần não trái. Cách ghi chép này ý chính bị chìm khuất, khó nhớ nội dung, ôn tập lãng phí thời gian. Còn Bản đồ Tư duy thì sao? Có không gian, có ngôn ngữ, có hình ảnh (khi vẽ hay chèn vào), có màu sắc,…nên sử dụng cả 2 phần não một lúc. Ngoài ra Bản đồ Tư duy còn tận dụng được đặc điểm quan trọng của trí nhớ đó là “trí nhớ dựa trên hình ảnh và sự liên kết”.
Vậy vẽ Bản đồ Tư duy bằng cách nào? Các cháu có thể vẽ bằng tay (1 hộp bút màu và một trang giấy) hoặc vẽ bằng phần mềm máy tính. Về phần mền máy tính có thể kể đến MindMapper, MindManager, hay tốt nhất là Buzan’s iMindmap. Phần mền Buzan’s iMindmap nếu mua bản quyền thì rất đắt (khoảng 300 đô-la Mỹ), nhưng các hiệu bán phần mềm Việt Nam thường bẻ khóa và bán, chỉ 10.000 đồng thôi.
Như Dinh nói ở đầu bài, Việt Nam mình ứng dụng Bản đồ Tư duy rất nhanh. Có trường đại học đã có đề tài ứng dụng Bản đồ Tư duy vào học tập. Người phát minh ra Bản đồ Tư duy, ông Tony Buzan, cũng đã được mời đến Việt Nam thuyết giảng và nhiều quyển sách của ông đã được dịch ra tiếng Việt. Ở phía Nam có thầy Hoàng Đức Huy ứng dụng Bản đồ Tư Duy vào dạy văn và ra cuốn sách “ Bản đồ tư duy-đổi mới dạy học”, còn ở phía Bắc thì các tác giả Trần Đình Châu và Đặng Thu Thủy ra cuốn “Thiết kế Bản đồ tư duy dậy – học môn toán”. Vậy cũng dễ để các bậc phụ huynh và các cháu tham khảo, ứng dụng đấy.
Bản đồ Tư duy như các bậc phụ huynh và các cháu thấy thì rất đơn giản trong nhận thức và sử dụng nhưng tác dụng và phạm vi ứng dụng lớn. Và nếu các bậc phụ huynh và các cháu quan niệm sự đơn giản (giản dị) là cái đẹp thì Bản đồ Tư duy là một công cụ học tập tuyệt đẹp.
Bài viết dài rồi, Dinh xin dừng lời. Xin chúc các bậc phụ huynh và các cháu luôn vui, khỏe.
Đinh Ngọc Dinh
4 nhận xét:
Cảm ơn bạn Dinh đã đưa ra phương pháp học tập rất hay và bổ ích
Bài viết rất chi tiết
Đọc tới đoạn ..."não phải và não trái"... mới giật mình nghĩ rằng: sự phân tích của giới khoa học thật là công phu, chỉ tiếc rằng sự vận dụng đồng thời cả hai bộ não để xử lý một sự việc là cả một đề tài rất lớn.
Đề nghị bạn Dinh triển khai mở rộng tiếp đề tài này với một số vị dụ khác nhau để mọi người thấy được rõ hơn tác dụng của phương pháp học tập.
Cám ơn Dinh.
đỉnh
Cảm ơn các bạn đã động viên nhé. Dinh xin cố gắng.
Đăng nhận xét