Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

THÁNG 7 ÂM LỊCH VỚI NHỮNG CHUYỆN DÂN GIAN

Chào đại gia đình lớp A niên khóa 1987-1990. Đầu trang Blog kỳ này thấy xuất hiện bức tranh cổ cảnh cầu Ô Thước và gia đình Ngưu Lang – Chức Nữ. Tôi cứ suy nghĩ mãi không hiểu Tổng biên tập (chắc là anh Phong) có ý định thâm thúy gì đây. Mãi tôi mới hiểu ra là: Tháng 7 âm lịch này gắn với sự tích Ngưu Lang – Chức Nữ (tức chuyện Ông Ngâu Bà Ngâu) và Lễ cổ truyền Vu Lan báo hiếu.



Theo truyền thuyết Ngưu Lang là chàng trai chăn trâu cho Thiên đình thổi sáo rất hay. Chức Nữ là một nàng tiên xinh đẹp làm nghề dệt vải. Hai người yêu nhau tha thiết và thành vợ thành chồng. Họ có hai người con và sống với nhau rất hạnh phúc. Việc Ngưu Lang nghèo hèn lại dám lấy tiên nữ đã làm cho Thiên Mẫu nổi giận. Thiên Mẫu dùng phép thuật ngăn cách Chức Nữ và Ngưu Lang cùng hai con bằng dải sông Ngân Hà rộng lớn. Bố con Ngưu Lang và Chức Nữ người ở bên này sông kẻ ở bên kia sông nhớ nhau khóc suốt ngày đêm. Ngọc Hoàng thấy vậy thương tình lệnh cho đàn quạ cắn đuôi nhau thành một cái cầu (Cầu Ô Thước) cho Ngưu Lang và Chức Nữ mỗi năm đi qua cầu Ô Thước gặp nhau một lần vào ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch. Khi họ gặp nhau và ôm nhau khóc, nước mắt rơi xuống trần gian thành những trận mưa gọi là mưa Ngâu.
Lại có truyền thuyết rằng Mục Kiền Liên đã tu luyện được nhiều phép thần thông. Mẹ của ông là Thanh Đề đã qua đời, vì thương nhớ mẹ nên ông dùng phép thuật nhìn thấu âm cung để xem mẹ mình như thế nào. Bà Thanh Đề khi còn sống làm nhiều điều ác với chúng sinh nên chết xuống âm phủ phải làm Ngã quỷ, xung quanh có những hồn ma đói rét. Mục Kiền Liên lại dùng phép đưa cơm đến cho mẹ ăn. Bà ta dấu bát cơm đi ăn một mình, thì đột nhiên bát cơm hóa thành ngọn lửa cháy đùng đùng không sao ăn được. Mục Kiền Liên về hỏi Phật tổ nguyên nhân làm sao lại như vậy. Phật tổ dậy rằng: Nhà ngươi dù có học được nhiều phép thuật cũng chẳng thể cứu được mẹ đâu, khi bà ấy tâm tính chưa thành tâm thanh tịnh. Nhằm ngày rằm tháng 7 lúc đó chúng tăng thập phương đến hội tụ, ngươi nhờ các chúng tăng hợp sức và lễ cúng chúng sinh thì sẽ cứu được mẹ.
Mục Kiền Liên làm theo và đã cứu được mẹ mình khỏi vòng Ngã quỷ. Từ đó người ta lấy ngày rằm tháng bẩy là ngày lễ Vu Lan báo hiếu.
Từ những chuyện dân gian trên Đại gia đình lớp A ta nhắn nhủ nhau rằng:
- Vợ chồng lúc nào cũng thương yêu nhau như Ngưu Lang và Chức Nữ.
- Nếu vợ hay chồng đi công tác xa thì người ở nhà phải chăm sóc gia đình con cái. Nếu có khóc thì khóc nhỏ thôi, đừng khóc to mà thành những trận Đại Hồng thủy gây lũ lụt cho cả nước đấy (nhất là vùng miền Trung chúng tôi sợ lũ lụt lắm). 
-  Các thành viên lớp A và các cháu phải luôn luôn hiếu thảo và chăm lo ông bà cha mẹ.
Huế, ngày 07 tháng 8 năm 2011
                                                            Trần Nam Hùng

2 nhận xét:

dinh ngoc dinh nói...

Những câu chuyện tháng 7 (âm lịch) của bạn Hùng thật rất ý nghĩa. Cảm ơn bạn Hùng!

bacduyenhablog nói...

Câu truyện của Hùng hay quá
Truyện 1: Cho chúng ta hiểu đầy đủ hơn về tình yêu đôi lứa
Truyện 2: Ý nghĩa giáo dục thật sâu sắc
Lời nhắn nhủ của Hùng cũng rất chân thành

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates | coupon codes